Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Trong đó, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) căn cứ quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát nội dung dự án, trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ GTVT, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ giao bộ là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao đơn vị trực thuộc là Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đã được rà soát, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định liên ngành và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, quy mô của tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu từ 6 làn xe đến 8 làn xe được xác định theo từng đoạn tuyến. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 giảm 2 làn xe mỗi đoạn.
Theo đó, đoạn từ điểm đầu dự án (giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa) đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây) có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 24,75 – 27 m. Đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường từ 32,25 – 34,5 m. Đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án (giao với Quốc lộ 56) quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75 – 27 m.
Bộ GTVT phân tích dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nằm trên hành lang vận tải TP HCM – Vũng Tàu có nhu cầu vận tải cao, kết quả dự báo lưu lượng và tính toán sơ bộ phương án tài chính cho thấy dự án có tính khả thi về tài chính, có khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện. “Do đó, việc nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, để dành ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, cũng như cần tập trung cho các ngành, lĩnh vực và nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác của đất nước” – Bộ GTVT nêu rõ.
Bộ GTVT cũng dự kiến thời gian thực hiện, phương án tổ chức quản lý, kinh doanh, trong đó giai đoạn 2021-2022 sẽ là thời gian chuẩn bị dự án, từ năm 2022-2023 sẽ lựa chọn nhà đầu tư, giai đoạn 2022-2024 tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự kiến giai đoạn 2024-2026 sẽ thi công xây dựng công trình.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và BR-VT cùng các cơ cơ quan chuyên môn, khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên Quốc lộ 51 vốn đang quá tải trầm trọng; góp phần hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM – Vũng Tàu. Qua đó, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai, BR-VT nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Xem thêm: Đầu tư hoàn thiện tuyến đường kết nối cảng Phước An
Trang