Hiện nay, các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đông Nam bộ cơ bản phù hợp, đảm bảo kết nối giao thông khu vực. Tuy nhiên, các dự án trong quy hoạch vùng này đang đầu tư rất chậm. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng mời gọi đầu tư mới tạo cơ hội cho giao thông vùng Đông Nam bộ phát triển.
Ngoài “siêu” dự án sân bay Long Thành, tới đây, tại Đồng Nai sẽ có hàng loạt dự án đường cao tốc kết nối giữa Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh cũng như kết nối liên vùng được xây dựng. Điển hình như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương, mở rộng cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.
Trong phát triển giao thông, Đồng Nai cũng có nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp với Tp. Hồ Chí Minh như: Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Xa lộ Hà Nội.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu Cát Lái nhằm thay thế phà Cát Lái. Đây là cầu vượt sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thành phố Thủ Đức – Tp. Hồ Chí Minh, giúp kết nối giữa Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh cũng như toàn khu vực Đông Nam bộ.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.
Riêng giai đoạn 2021 -2025, dự kiến sẽ xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái; tuyến trên cao đi dọc theo ĐT 25C, vượt sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành.
Ngoài ra, các dự án tại thành phố Thủ Đức như nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy cũng góp phần thúc đẩy kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai thuận lợi hơn. Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành đối với các dự án hạ tầng giao thông.
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai cho rằng, điểm nghẽn lớn của ngành logistics hiện nay chính là kết nối giữa các hệ thống hạ tầng giao thông với nhau còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ. Do đó, việc đầu tư tuyến giao thông mới để kết nối giữa cảng biển và cảng hàng không là điều rất cần thiết, đặc biệt ở Nhơn Trạch.
Với “động lực” là sân bay Long Thành đang được triển khai, khu vực Đông Nam bộ nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng được kỳ vọng sẽ có sức bật để phát triển trong tương lai gần. Tuy nhiên, trước khai sân bay Long Thành đi vào khai thác theo kế hoạch năm 2025, các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong quy hoạch, nhất là mở rộng cao tốc, xây dựng các tuyến đường vành đai cần được ưu tiên triển khai và hoàn thành đúng tiến độ; từ đó mở ra không gian phát triển mới tạo động lực và thúc đẩy kinh tế cạnh tranh mới trong khu vực Đông Nam Bộ với các vùng.
Xem thêm: 4 dự án giao thông “khủng” tạo sức bật kinh tế cho các tỉnh phía Nam
Minh Anh