Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải về triển khai đầu tư dự án đường vành đai 3.
Dự án đường vành đai 3 có tổng chiều dài gần 97,7 km, đi qua địa phận các tỉnh, thành Long An, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, đề xuất quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp ở hai bên. Theo UBND TP.HCM, tuyến đường này khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ giảm ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối quốc lộ 1, quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Mộc Bài.
Đồng thời góp phần tăng cường liên kết vùng, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc chậm khép kín vành đai 3 làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều tuyến cao tốc kết nối. Chính vì vậy, TP.HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đầu tư khép kín đường vành đai 3. Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo ý kiến Bộ Giao thông vận tải, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP đối với đoạn 3 (Bình Chuẩn – quốc lộ 22) và đoạn 4 (quốc lộ 22 – Bến Lức) là khoảng 9,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa thông qua chủ trương đầu tư công đối với dự án nên chưa thể thực hiện được.
Ngoài ra, sau khi bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và đã khởi công, TP.HCM không đủ nguồn cân đối cho các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó bao gồm các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng vành đai 3.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ưu tiên đầu tư các dự án khép kín đường vành đai 3 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc các nguồn vốn khác được bố trí từ trung ương (trái phiếu chính phủ, ODA…).
Xem thêm: TP.HCM và Đồng Nai họp bàn 2 phương án xây cầu Cát Lái
Trang