UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 1/8/2021.
Các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện nghiêm. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, phải xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể, thiết thực, tập trung mọi nguồn lực để khống chế, dập dịch, giảm thiểu lây lan trên diện rộng nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe và nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Kể từ 0h, ngày 22/7, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn 7 huyện, thành phố gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch phải thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Trường hợp xét nghiệm có ca dương tính, yêu cầu doanh nghiệp chủ động thông báo, phối hợp với ngành y tế, các sở, ngành địa phương liên quan triển khai các phương án chống dịch theo hướng dẫn của Bộ y tế.
Trường hợp xét nghiệm không có ca bệnh, tùy vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, trước khi sản xuất yêu cầu doanh nghiệp áp dụng 1 trong 3 phương án sau: Phương án “3 tại chỗ”, tức là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ; phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” tức là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, 2 địa điểm là nơi lưu trú tập trung người lao động của từng doanh nghiệp riêng biệt và nơi sản xuất của doanh nghiệp; phương án thứ 3 là linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cách ly y tế tại nhà theo quy định; tăng cường năng lực xét nghiệm, tầm soát, truy vết các trường hợp F0, F1, F2 để có biện pháp xử lý hiệu quả; quản lý chặt, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, phong tỏa.
Trong trường hợp phong tỏa trên diện rộng, yêu cầu các địa phương tổ chức đánh giá mức độ nguy cơ của dịch bệnh và phải xây dựng phương án cụ thể để đảm bảo các biện pháp, điều kiện thiết yếu về lương thực, thực phẩm, thuốc men… cho sinh hoạt hằng ngày của người dân tại địa bàn phong tỏa. Sau đó gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định theo quy định hiện hành.
Trang