Ưu tiên nguồn lực triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM

Việc đầu tư khép kín đường Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được xác định ưu tiên nguồn lực để hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, để nhanh triển khai Dự án cần có các cơ chế đặc thù bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khả thi.

UBND TP.HCM cho biết, tuyến chính Vành đai 3 có tổng chiều dài 89,3 km, trong đó qua TP.HCM 47,62 km, Bình Dương 25,93 km, Đồng Nai 11,3 km, Long An 6,81 km, bao gồm 4 đoạn: Tân Vạn – Nhơn Trạch, Tân Vạn – Bình Chuẩn, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22, Quốc lộ 22 – Bến Lức. 

Hiện nay, đoạn 1A của tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Đoạn này đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu và dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong năm 2021.

Đoạn 1B của tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) nhưng hiện đang tạm dừng để nghiên cứu đầu tư trong tổng thể khép kín Vành đai 3. Đoạn 2A, 2B của tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đã được UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hoàn thành và đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị. Đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn thuộc Dự án Đầu tư khép kín Vành đai 3 TP.HCM

Theo đề xuất của TP.HCM, trong giai đoạn 1 của Dự án Đầu tư khép kín Vành đai 3 sẽ ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP, thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh, xây dựng đường song hành, tuyến nối với cao tốc và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; xây dựng tuyến chính – đường cao tốc với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe với tổng chiều dài tuyến 76,36 km.

Trong giai đoạn 1, các địa phương liên quan chịu trách nhiệm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng các tuyến nối, mở rộng đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn. TP.HCM với tư cách là cơ quan có thẩm quyền của Dự án, chịu trách nhiệm đầu tư đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với một số hỗ trợ đặc thù của Nhà nước để tăng hiệu quả đầu tư. 

Các địa phương có Dự án đi qua đều đồng thuận tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng khép kín Dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 nhằm thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT mới đây, UBND TP.HCM đề xuất, cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù áp dụng cho Dự án để đảm bảo cơ sở pháp lý và tính khả thi như: nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện dự án BOT, Chính phủ phát hành trái phiếu và cho địa phương vay lại để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; sử dụng ngân sách địa phương để chi cho nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, tỷ lệ % vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư; cho phép tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư đoạn 1A của tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch…

Xem thêm: Thủ tướng đồng ý giao 5 địa phương triển khai các dự án thuộc đường vành đai 4 TP.HCM

Trang


Bài viết liên quan