Bộ GTVT đề nghị JICA xem xét có ý kiến về khả năng cung cấp vốn vay cho dự án để Bộ triển khai thủ tục theo quy định trong nước.
Nội dung được đề cập trong văn bản của Bộ GTVT gửi cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc cung cấp nguồn vốn cho dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đây là trục giao thông chính rất quan trọng, trong đó một phần tuyến thuộc đường trục cao tốc Bắc – Nam phía Ðông, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, hiện nay, tuyến cao tốc chỉ đang khai thác với quy mô 4 làn cao tốc nên không bảo đảm năng lực thông hành, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra các tai nạn, sự cố làm phương tiện chết máy. Do đó, Bộ GTVT đề nghị JICA xem xét có ý kiến về khả năng cung cấp vốn vay cho dự án để Bộ triển khai thủ tục theo quy định trong nước.
UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến vấn đề nêu trên. Phía TP.HCM đề nghị Bộ GTVT tính toán lưu lượng xe, phương án kết nối với các công trình để kết nối đồng bộ, bảo đảm tính khả thi trong vận tải hành khách công cộng và lưu thông hàng hóa, phát huy hiệu quả đầu tư khi dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác.
Trong đó, TP.HCM nêu một số vấn đề để Bộ GTVT, đơn vị nghiên cứu tính toán lại như: Lộ giới tuyến này bao gồm đường cao tốc, đường song hành, đường sắt TP HCM – Nha Trang và đường sắt nhẹ TP.HCM – Thủ Thiêm nhưng trong hồ sơ đề xuất chưa nghiên cứu, bố trí các công trình vào mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh.
Giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và hiện nay một số dự án đầu tư đang triển khai thực hiện dọc hai bên tuyến như dự án đường song hành cao tốc HLD, đường vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch… Nhưng hồ sơ chưa kịp thời cập nhật, chưa thể hiện ranh phạm vi đã giải phóng mặt bằng trước đây. Do đó, UBND TP.HCM cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các quy hoạch có liên quan, quy định về hành lang an toàn tuyến cao tốc, các tuyến đường sắt…
Đáng chú ý, đối với đoạn An Phú – Vành đai 2, đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đường đô thị quy mô 8 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Nhưng, theo UBND TP.HCM, mặt cắt ngang phần đường cao tốc chưa bố trí đủ bề rộng lề đường tối thiểu để phục vụ dừng, đỗ xe khẩn cấp, tăng khả năng thông hành, tăng an toàn chạy xe, bố trí thoát nước… theo quy định.
Trước đó, theo nghiên cứu của Ban QLDA Mỹ Thuận – đơn vị thực hiện nghiên cứu việc mở rộng cao tốc hồi giữa tháng 7, tổng vốn đầu tư để thực hiện việc nâng cấp, mở rộng tuyến là hơn 11.500 tỷ đồng.
Ban đề xuất mở rộng đoạn dài 24/55km, từ 4 lên 8 làn xe, vận tốc 100-120 km/h. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (TP Thủ Đức), điểm cuối tại nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Long Thành, Đồng Nai).
Để đồng bộ việc mở rộng mặt đường lên 8 làn xe, đoạn cao tốc qua địa bàn TP.HCM từ nút giao An Phú đến Vành đanh 2 sẽ được mở rộng thêm mỗi bên 4,75 m. Đoạn từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, mỗi bên được mở rộng 7,5 m.
Riêng khu vực cầu Long Thành, một cầu khác sẽ được xây kế bên cầu hiện hữu với bề rộng gần 20m. Dọc dự án có 5 nút giao lớn hiện đã có dự án riêng hoặc sắp triển khai các công trình, sẽ kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc.
Xem thêm: Phác thảo hình ảnh đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu
Trang