Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Nhơn Trạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II, sau năm 2030 sẽ đạt đô thị loại I và cùng với Long Thành tạo ra bộ mặt mới cho tỉnh Đồng Nai và trong khu vực.
Nếu như trước đây hạ tầng giao thông được xem là hạn chế của huyện Nhơn Trạch thì nay “điểm nghẽn” đó đã được tháo gỡ khi hàng loạt tuyến đường giao thông đã, đang triển khai tạo sự đồng bộ về hạ tầng, giúp kết nối nhanh chóng, thuận lợi trong vùng trọng điểm kinh tế TP HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.
Cụ thể, dự án đường 319 nối dài (đoạn từ ngã ba Bến Cam nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) do Công ty cổ phần BOT 319 Cường Thuận CTI làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Điểm đầu dự án tại ngã ba Bến Cam (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại Km 19+711. Đây là trục giao thông chạy xuyên qua các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch. Trong khi đó, cầu vượt và các nhánh rẽ từ cao tốc nối với đường 319 là một hạng mục quan trọng của dự án này.
Khi hoàn thành, đường 319 sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Nhơn Trạch đi TP HCM, Dầu Giây và ngược lại, đồng thời góp phần giảm tải cho đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và quốc lộ 51 đang bị quá tải. Xa hơn, khi tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành xây dựng, đường 319 sẽ đóng vai trò là tuyến đường nối hai tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.
Chưa dừng lại ở đó, dự án Hương Lộ 2 từ TP Biên Hòa đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đã triển khai cuối năm 2020 đang được tỉnh Đồng Nai đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Như vậy, Hương Lộ 2 và đường 319 sẽ giúp trục đường mới chạy dọc sông Đồng Nai từ Biên Hòa đi cao tốc Bến Lức – Long Thành, song song quốc lộ 51, phát triển trục đô thị phía đông Biên Hòa và hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Xem thêm: Cấp bách khép kín đường vành đai 3
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch Trần Thu Hạnh, bên cạnh 2 tuyến đường của Trung ương đang triển khai trên địa bàn (cao tốc Bến Lức – Long Thành và Vành đai 3), trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở huyện Nhơn Trạch nhưng có tính chất kết nối vùng, đó là tuyến đường liên cảng Phú Hữu – Phước Khánh chiều dài hơn 14km chạy dọc sông Đồng Nai, tổng vốn đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng và đường vào làng đại học chiều dài hơn 8km và tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Các tuyến quy mô nhỏ hơn như đường 25C đoạn từ Hương Lộ 19 đến đường liên cảng Phú Hữu – Phước Khánh, đường vào KCN Ông Kèo, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Bến Lức – Long Thành… Ngoài ra, có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu khác.
Cũng theo bà Hạnh, đồ án điều chỉnh quy hoạch huyện Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025, huyện Nhơn Trạch cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và sau năm 2030 sẽ đạt đô thị loại I. Bên cạnh thị trấn Hiệp Phước hiện hữu, huyện Nhơn Trạch sẽ hình thành hàng loạt khu đô thị, khu dân cư thương mại cao cấp và nhà ở xã hội, khu dịch vụ hậu cần cảng quy mô hơn 550ha, các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven sông. Các dự án này sẽ giúp thành phố mới Nhơn Trạch phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Nhơn Trạch cùng với Long Thành đang là cửa ngõ giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh Đồng Nai và khu vực. Thế mạnh của Nhơn Trạch là đang chuyển dịch sang đa lĩnh vực – dịch vụ – thương mại, logistics và xuất nhập khẩu. Việc hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kết nối với các tuyến đường cao tốc, các cảng biển và sân bay Long Thành sẽ tạo ra sức bật cho ngành dịch vụ, thúc đẩy các dự án bất động sản, từ đó kéo dân số từ các đô thị khác về Nhơn Trạch sinh sống.
Theo các đơn vị môi giới bất động sản tại khu vực trên, giá đất dự án tại Nhơn Trạch đã tăng nhẹ dù các thị trường khác đang đóng băng bởi Nhơn Trạch, Long Thành đang là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư lớn, kể cả những nhà đầu tư cá nhân.
Xem thêm: Đi tìm nguyên nhân sốt đất Nhơn Trạch, Đồng Nai
Nguồn: Congan.com.vn